Chứng minh tài chính là một trong các yêu cầu bắt buộc khi bạn chuẩn bị hồ sơ xin visa du lịch hay du học của đa số các quốc gia trên thế giới (ngoại trừ một số quốc gia/vùng lãnh thổ không yêu cầu chứng minh tài chính). Vậy chứng minh tài chính thực chất là gì? Tại sao chứng minh tài chính lại đóng vai trò quan trọng đến vậy? Và do đâu mà không tự chứng minh tài chính được? Tất cả những thắc mắc trên sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây, cùng tham khảo nhé.
Table of Contents
Chứng minh tài chính là gì?
Trong tiếng Anh, chứng minh tài chính là Financial Proofing (từ được dùng phổ biến). Một vài từ khác mang nghĩa tương đương là chứng minh năng lực tài chính – Demonstrate Financial Capacity, chứng minh khả năng tài chính – Demonstrate Financial Capability,…
Chứng minh tài chính là việc bạn cho Đại sứ quán/ Lãnh sự quán thấy bạn đủ khả năng tài chính để thực hiện đúng mục đích sang nước họ như đã khai trong hồ sơ (như du lịch, du học, thăm thân, công tác hay khám chữa bệnh,…). Ngoài ra, bằng việc chứng minh tài chính, bạn còn cho thấy mình có ràng buộc vững chắc ở Việt Nam, sẽ không nhập cư trái phép sau khi hết hạn visa.
Riêng với mục đích chứng minh tài chính du học, một số quốc gia còn có yêu cầu phải chứng minh được nguồn gốc hình thành tài sản hay sổ tiết kiệm, hoặc còn gọi là chứng minh thu nhập.
Chứng minh tài chính có mục đích gì?
Tại mọi quốc gia, nhất là những nước phát triển trên thế giới, tình trạng nhập cư, cư trú hay lao động bất hợp pháp luôn tồn đọng và trở thành một vấn đề khiến chính phủ hết sức quan ngại. Chính vì thế mà họ mới yêu cầu bạn phải chứng minh tài chính. Họ sẽ căn cứ vào đó mà nhận định bạn có đi đúng mục đích không hay sang nước họ rồi lao động bất hợp pháp (làm việc “chui” tại nước ngoài không phải đóng các khoản thuế, vì vậy mà thu nhập cao hơn ở Việt Nam rất nhiều).
- Đối với những du học sinh, bạn phải chứng minh tài chính của mình đủ để chi trả học phí, sinh hoạt phí trong ít nhất 1-2 năm đầu.
- Đối với các du khách, bạn phải chứng minh mình có đủ khả năng tài chính để chi trả toàn bộ chi phí cho chuyến du lịch của mình.
Chứng minh tài chính của hầu hết các nước trên cơ bản đều giống nhau. Được phân định thành 2 phần riêng biệt là sổ tiết kiệm và hồ sơ chứng minh thu nhập. Hai phần này có quan hệ mật thiết với nhau. Sổ tiết kiệm thể hiện khả năng chi trả học phí, sinh hoạt phí hay chi phí đi lại, du lịch,… Trong khi đó, hồ sơ chứng minh thu nhập đưa ra những chứng cứ, thể hiện nguồn thu nhập hàng tháng, hàng năm,… Nói cách khác, hồ sơ thu nhập đảm nhiệm vai trò giải trình về nguồn tiền trong sổ tiết kiệm.
Sổ tiết kiệm
Sổ tiết kiệm thực chất là một loại tài sản. Trên góc độ Đại sứ quán/Lãnh sự quán, họ cần xem xét các tài khoản có tính thanh khoản cao. Mà tiền mặt chính là tài sản có tính thanh khoản cao nhất. Nhưng việc yêu cầu người xin visa mang tiền mặt lên để kiểm tra là chuyện bất khả thi. Và giải pháp cho vấn đề này là sổ tiết kiệm. Sổ tiết kiệm được ngân hàng xác nhận và có tính thanh khoản chỉ kém tiền mặt. Vì vậy mà các đại sứ quán, cơ quan lãnh sự các quốc gia đưa ra yêu cầu chứng minh tài chính bằng sổ tiết kiệm. Hồ sơ ở phần này chỉ đơn giản là gồm sổ tiết kiệm và giấy xác nhận số dư.
Tuỳ vào mục đích là du lịch hay du học mà số dư trong sổ tiết kiệm sẽ khác nhau. Số tiền trong sổ bạn phải có khi xin visa du học cao hơn rất nhiều so với xin visa đi du lịch. Nhiều nước quy định thời gian mở sổ phải từ 28 ngày đến 6 tháng, riêng hồ sơ xin visa du học, bạn nên mở sổ trước từ 3 đến 6 tháng cho chắc.
Không thiếu những trường hợp vay mượn tiền người thân để mở sổ tiết kiệm, lấy xác nhận số dư rồi tất toán ngay sau đó. Làm vậy cũng không thành vấn đề. Nhưng nếu cơ quan lãnh sự yêu cầu bổ sung số dư thời điểm mới nhất hay nộp sổ tiết kiệm gốc thì thật gay go. Vì lúc này bạn đã không còn sổ tiết kiệm nữa. Ngân hàng lại càng không cấp giấy xác nhận số dư bởi sổ tiết kiệm đã tất toán. Sổ gốc đã đóng dấu tất toán và cất vào kho quỹ không thể lấy ra được nữa. Tình trạng như này đến 99% trượt visa, còn lại 1% có lẽ là may mắn. Rút kinh nghiệm từ việc này, an toàn hơn cả là bạn phải duy trì sổ tiết kiệm từ ngày mở, qua thời điểm nộp hồ sơ cho đến lúc nhận kết quả.
Hồ sơ chứng minh thu nhập
Chủ yếu phần này dành cho diện chứng minh tài chính du học. Còn việc xin visa du lịch thì chứng minh thu nhập đơn giản hơn nhiều.
Hồ sơ chứng minh thu nhập thể hiện thu nhập hàng tháng, hàng quý và hàng năm của gia đình. Và đây cũng là nguồn gốc tích luỹ cho sổ tiết kiệm, tài sản,…
Các nguồn thu nhập Đại sứ quán/Lãnh sự quán chấp thuận
- Thu nhập từ lương
- Thu nhập từ hộ kinh doanh gia đình
- Thu nhập từ việc cho thuê tài sản
- Thu nhập từ việc góp vốn kinh doanh hay sở hữu công ty riêng
- Các nguồn thu nhập khác (như trồng trọt, chăn nuôi,… miễn là bạn đưa ra lý lẽ và bằng chứng thuyết phục).
Có nhất thiết phải có thu nhập cao thì mới tốt không? Điều này không nhất định, chỉ cần bạn có thu nhập hàng tháng đủ để tích luỹ số tiền trong sổ tiết kiệm sau khi trừ đi chi phí sinh hoạt là được.
Bên cạnh đó, nếu bạn có các tài sản như bất động sản (đất đai, nhà cửa) hay xe hơi,… hồ sơ xin visa của bạn sẽ đẹp và có độ tin cậy cao hơn.
Vì sao bạn thường không thể tự chứng minh tài chính để xin visa du lịch, du học được?
Ở nước ta, việc bán nhà đất hay vay ngân hàng để con cái có thể đi du học ở nước ngoài không phải là một hiện tượng hiếm. Nhưng đối với Đại sứ quán/Lãnh sự quán, những điều này phải thể hiện hết trên giấy tờ. Cũng vì nguyên nhân đó mà nhiều trường hợp không thể tự chính minh tài chính được như:
Kinh doanh tự do, không có giấy phép hay nhiều người đứng tên cùng một tài sản,… Những trường hợp vừa kể rất khó để chứng minh rõ ràng trên giấy tờ được.
Không phải người nào cũng đem tiền mặt đi gửi ngân hàng. Ở Việt Nam, nhiều người thích mua vàng, mua bất động sản hay xe hơi, đầu tư vào kinh doanh,… hơn là gửi tiền tiết kiệm.
Trong trường hợp không thể tự chứng minh được, bạn có thể sử dụng giải pháp là nhờ đến dịch vụ. Hiện nay có rất nhiều nơi cung cấp dịch vụ mở sổ tiết kiệm và chứng minh thu nhập. Tuy vậy, bạn cũng nên tìm hiểu kỹ để tăng tính an toàn và bảo đảm cho hồ sơ, tránh việc mất tiền oan mà không thể xin được visa.
Hy vọng qua bài viết trên, các bạn đã biết được một số thông tin về chứng minh tài chính và hiểu hơn về bước quan trọng trong hồ sơ xin visa này. Đừng quên thường xuyên ghé thăm Đại Sứ Quán Việt Nam tại Mexico để cập nhật nhiều tin tức khác nhé.